Ngày 12/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm trước Kỳ họp Quộc hội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, trong 9 tháng năm 2022, huyện Gia Lâm đã triển khai tốt các nhiệm vụ, đặc biệt là về phát triển kinh tế xã hội và thu ngân sách.
Ông Dũng cho biết, Gia Lâm là 1 trong 2 huyện được thành phố “ưu tiên” hỗ trợ lên quận trước.
“Giai đoạn 2021 – 2025, thành phố có khoảng 3 – 5 huyện lên quận. Nhưng nếu dàn hàng ngang thì khó thành công”, ông Dũng nói, đồng thời cho biết, qua xem xét các điều kiện, với sự hỗ trợ của thành phố, Gia Lâm và Đông Anh sẽ sớm được nâng cấp thành quận.
Bí thư Hà Nội cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ hai huyện này, có thể cả về tỷ lệ điều tiết ngân sách để đạt điều kiện lên quận. Thành phố cũng đang phối hợp với các huyện đánh giá, từng bước báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
“Tinh thần chung là thành phố hỗ trợ, quyết tâm cùng với Đông Anh, Gia Lâm, cố gắng năm 2023 sẽ lên được quận”, ông Dũng nói.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm, Bí thư Hà Nội đã thông báo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Ông Vương Tiến Dũng cho biết, vừa qua, thành phố đã khánh thành hầm chui Lê Văn Lương để giải quyết ùn tắc tại đây, hay khởi công hầm chui đường Vành đai 2,5 sau khi kéo dài hơn chục năm…
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, thúc đẩy các dự án trọng điểm đang chậm.
“Năm ngoái, nếu không quyết tâm, quyết liệt thì không thể đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào hoạt động. Một dự án lớn khác là tuyến Nhổn – ga Hà Nội, phần nổi hơn chục cây số sẽ đưa vào hoạt động cuối năm nay, nhưng phần ngầm 4 cây số chậm hơn 4 năm nay”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, vừa qua, thành phố đã giải quyết một số vấn đề của dự án này. Về phần giải phóng mặt bằng, khi làm ngầm khiến nhà của một số hộ dân bị nứt, phải có chính sách cụ thể.
“50 hộ bị ảnh hưởng, 7 hộ thì khả năng phải đập đi xây lại, 43 hộ còn lại di cư, sau đó sẽ quay về”, ông Dũng nói, đồng thời cho biết, đây là dự án quan trọng, nếu không làm đường sắt đô thị sẽ không giải quyết được vấn đề giao thông, khói bụi, ô nhiễm…
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nêu, một vấn đề cần giải quyết là phân cấp giải quyết thủ tục hành chính. “Người ta nói Hà Nội không vội được đâu. Tôi trăn trở với câu này, nghĩa đen cũng có nghĩa bóng cũng có”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, qua rà soát, vừa qua, thành phố đã tiến hành phân cấp hơn 600 thủ tục hành chính về quận, huyện. Trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, phân cấp triệt để hơn nữa.
Ông Dũng nêu ví dụ, ở quận, huyện muốn xây trường THPT nhưng thẩm quyền lại thuộc về thành phố. “Nhưng quan điểm của chúng tôi khác. Anh em nói theo Luật Giáo dục, cấp THPT là tỉnh, thành quản lý. Tôi nói không phải như thế. Tỉnh, thành quản lý nhà nước về mặt giáo dục, còn cơ sở vật chất thì không”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng, từ lý do trên, có địa phương xin thành phố xây trường THPT 3 năm không được. Thậm chí, sửa trường cũng phải xin phép thành phố. “Từ nay trở đi, như chỗ Gia Lâm xin 3 năm không xây được trường thì cứ thế mà làm, không phải đi xin nữa. Bây giờ các đồng chí cứ thế mà làm”, ông Dũng nói.
Nguồn: https://baomoi.com/ha-noi-se-dua-huyen-gia-lam-dong-anh-len-quan-vao-nam-2023/c/43983798.epi