CHUYÊN GIA KINH TẾ: “MÔ HÌNH VMI ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI 3 NHÀ”

Theo chuyên gia, ở góc độ thị trường, mô hình VMI giúp huy động nguồn vốn cho các dự án đầu tư xây dựng, từ đó đảm bảo triển khai đúng hạn cũng như chất lượng dự án.

“Không phải ngẫu nhiên, mô hình hợp tác đầu tư như VMI được áp dụng nhiều tại các nước phát triển. Đây là cách đảm bảo quyền lợi cả 3 nhà: Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp, giúp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá về mô hình đầu tư của VMI JSC.

Khoản đầu tư an toàn

Nhận nhiều sự quan tâm từ khi ra mắt, nhưng có ý kiến cho rằng, VMI và mô hình hợp tác đầu tư BĐS “ảo hóa” tài sản thật, bằng cách chia nhỏ một sản phẩm BĐS thành trăm phần để hút vốn. Ông nghĩ gì về nhận định này?

– Nhận định này về bản chất không đúng. “Ảo” là khi không có tài sản. Còn ở đây, nhà đầu tư được mua một tài sản đang tồn tại thực – sản phẩm BĐS của Vinhomes – thông qua VMI. Bản thân nhà đầu tư sau đó cũng nhận giấy chứng nhận quyền tài sản, được cam kết lợi nhuận tối thiểu, cho phép rút vốn sau 18 tháng và đảm bảo khoản lãi nhất định. Tất cả đều là tài sản hiện hữu được đảm bảo an toàn.

Về mô hình, VMI là cách chia nhỏ sản phẩm để huy động nguồn lực, từ đó phục vụ nhu cầu nhà ở cũng như phát triển của nền kinh tế. Cách làm này khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển.

Tại các nước phát triển, mô hình tương tự VMI đã ra đời nhiều năm và được ưa chuộng.

– Tuy nhiên, nhiều người lo lắng mối quan hệ mật thiết giữa VMI và Vinhomes. Đây có thể là “bình phong” để đẩy lợi nhuận VMI sang Vinhomes  một doanh nghiệp lớn đã niêm yết trên sàn chứng khoán – dẫn đến quyền lợi nhà đầu tư VMI không được ưu tiên, thưa ông?

– Về pháp lý, VMI và Vinhomes là 2 chủ thể tách biệt, được giám sát chặt chẽ. VMI hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Mọi yếu tố, từ hình thành vốn tới kinh doanh đều phải hạch toán độc lập dựa trên cơ sở hoạt động này. Dù chỉ tham gia góp 5% vốn tại VMI, Vinhomes cũng phải công khai trước các nhà đầu tư, cổ đông từng dự án, tiến độ, kết quả bàn giao, kinh doanh.

Đặc biệt, để đảm bảo khách quan, các đơn vị kiểm toán độc lập đang thực hiện quá trình kiểm tra chặt chẽ về trách nhiệm liên đới khi xác nhận báo cáo kiểm toán. Tất cả hoạt động này đều được cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi sát sao, nếu có vi phạm rất khó che đậy.

Quan trọng hơn, tôi tin rằng chính mối quan hệ mật thiết giữa VMI và Vinhomes – doanh nghiệp uy tín nhiều năm trên thị trường – là bảo chứng, đôi bên sẽ không vì lợi ích trước mắt mà để tên tuổi, danh tiếng đổ xuống sông xuống biển.

Chuyên gia nhận định VMI và Vinhomes sẽ không vì lợi ích trước mắt mà để tên tuổi, danh tiếng đổ xuống sông xuống biển.

Tạo đà cho thị trường BĐS phát triển bền vững

Một kịch bản đang được nhắc tới, ban đầu VMI có thể tạo lợi nhuận tốt để gom tiền từ nhà đầu tư. Theo thời gian, mức giá ghìm dần xuống và nhà đầu tư có thể chỉ được chi trả khoản lợi nhuận cam kết, thay vì lợi nhuận thực. Ông lý giải gì về khúc mắc này?

– Trong kinh doanh, mọi thứ không đơn giản như vậy, đặc biệt khi VMI chỉ là một thành phần tham gia thị trường. Mức giá khác nhau tùy khu vực, vị trí nhưng luôn có mặt bằng chung của thị trường, VMI dù muốn cũng không thể can thiệp.

Bởi thế, khi thị trường biến động, đặc biệt lúc tăng mạnh, nhà đầu tư chắc chắn nắm thông tin. Hơn nữa, theo hợp đồng, không phải VMI mà chính các nhà đầu tư “nắm đằng chuôi” khi chủ động quyền mua, bán. Trong mô hình này, quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo tối đa.

– Vậy còn trong trường hợp xấu nhất, khi VMI bị phá sảnnhà đầu tư liệu có được nhận lợi nhuận cam kết tối thiểu khôngthưa ông?

– Thực tế VMI là doanh nghiệp dịch vụ, không phải chủ đầu tư. Bởi vậy, khả năng phá sản của các doanh nghiệp như VMI gần như bằng 0. Ngoài ra, cả trong trường hợp hãn hữu VMI phá sản, chúng ta đã có Luật Phá sản với thứ tự và điều kiện trả nợ được quy định rõ ràng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định mô hình như VMI không chỉ cần thiết mà còn phù hợp xu hướng của thời đại.

– Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông có cho rằng thị trường BĐS cần mô hình như VMI  hiện tại và tương lai?

– Không phải ngẫu nhiên, mô hình tương tự VMI đã ra đời nhiều năm và được ưa chuộng tại các nước phát triển. Đây là cách đảm bảo những người ít vốn cũng có thể tham gia đầu tư dự án cao cấp, tiềm năng tăng giá lớn. Đặc biệt, dù số vốn nhỏ, nhà đầu tư vẫn có đầy đủ quyền chủ động bán tài sản, kiểm tra giám sát, đảm bảo lợi nhuận tối thiểu.

Ở góc độ thị trường, VMI sẽ giúp huy động nguồn vốn cho các dự án đầu tư xây dựng, từ đó đảm bảo thời gian triển khai đúng hạn cũng như chất lượng dự án. Thị trường có thêm nguồn cung, việc giao dịch mua bán sơ cấp và thứ cấp sôi động hơn, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Xa hơn, thị trường BĐS phát triển, lan tỏa đến hàng trăm lĩnh vực phụ trợ và liên quan, tạo lợi ích lớn cho nền kinh tế.

Rõ ràng trong quá trình trên, các bên đều được lợi. Có thể khẳng định, mô hình như VMI không chỉ cần thiết, mà còn phù hợp xu hướng của thời đại, giúp tạo đà cho thị trường BĐS và rộng hơn là nền kinh tế phát triển bền vững.

Nguồn: zingnews.vn